Ngày 8/2, khi số người
chết tăng thêm 81 người chỉ qua một ngày nâng tổng số người chết lên 722 người và hơn 28.000 người nhiễm virus corona
chủng mới (nCoV), Trung Quốc tức tốc bổ sung thêm số giường bệnh, ưu tiên những
vấn đề khẩn cấp nhất. Tại thành phố tâm dịch Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), một bệnh viện
dã chiến thứ hai dự kiến có thêm 1.600 giường bệnh chuẩn bị đi vào hoạt động.
Bệnh viện
dã chiến đầu tiên với 1.000 giường bệnh đã sử dụng từ đầu tuần. Chính quyền Vũ
Hán cho biết đã sửa đổi công năng, biến các tòa nhà công tại địa phương thành
các cơ sở y tế tạm thời để giải quyết điều trị cho hàng ngàn người bệnh tăng
thêm mỗi ngày. Theo ông Hu Lishan - quan chức cấp cao tại Vũ Hán, thành phố có
khoảng 11 triệu dân đang đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh nghiêm trọng.
Cụ thể, ông
cho biết đã có 8.182 người được nhập viện điều trị tại 28 bệnh viện với tổng số
8.254 giường bệnh. Không chỉ thiếu giường bệnh, Vũ Hán cũng đang rất thiếu vật
dụng, trang thiết bị, tài nguyên y tế. Chính phủ trung ương Trung Quốc đã công
bố những biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung trang thiết bị y tế thiết yếu, trong
đó có chính sách cắt giảm thuế cho các công ty chuyên sản xuất thiết bị y tế
phòng dịch.
Hãng tin
Tân Hoa xã dẫn phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường: "Chúng ta
phải nỗ lực trên cả nước để đáp ứng nhu cầu về trang thiết bị y tế thiết yếu và
nhân sự y tế chuyên nghiệp ở Hồ Bắc". Mặc dù số ca nhiễm có sự lây lan
toàn cầu, nhưng ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất vẫn là ở tỉnh Hồ Bắc, khi địa
phương này chiếm tới 97% trong tổng số ca tử vong và 67% tổng số người nhiễm
virus corona.
Người bệnh tại Trung tâm triển lãm và hội nghị quốc tế Vũ Hán, một cơ sở được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến để tiếp nhận những người bệnh nhiễm virus corona mới có biểu hiện triệu chứng bệnh chưa nặng ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (ảnh chụp ngày 5/2/2020).
Số người chết tăng thêm mỗi ngày phản ánh tình trạng hệ thống y tế địa phương quá tải trong ứng phó dịch bệnh, khiến cho những điều kiện chăm sóc cơ bản nhất đôi khi cũng là điều không thể. Một cựu quan chức Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc là ông Yang Gonghuan cho rằng mặc dù việc cách ly phòng dịch gây rất nhiều khó khăn cho tỉnh Hồ Bắc nói chung và thành phố Vũ Hán nói riêng, song đó là điều đúng đắn phải làm. Chia sẻ với Hãng tin Bloomberg, ông nói: "Nếu tỉnh này không bị phong tỏa, một số người sẽ tỏa đi khắp cả nước để được trợ giúp y tế và rồi sẽ biến toàn quốc thành một vùng dịch.
Nó giống
như trong một cuộc chiến đấu vậy, có những điều thật khó khăn nhưng vẫn phải
làm". Trong ngày 5-2, BGI Group, công ty chuyên về kỹ thuật giải trình tự
gen có trụ sở ở miền nam Trung Quốc, thông báo đã mở thêm phòng thí nghiệm tại
Vũ Hán có khả năng xét nghiệm virus corona cho khoảng 10.000 người mỗi ngày.
Trong khi đó, hàng chục triệu người dân ở tỉnh Hồ Bắc và các tỉnh lân cận vẫn
đang đối mặt với những lệnh hạn chế/cấm đi lại trên quy mô lớn. Ngay cả những
người dân ở Hàng Châu, thành phố chỉ cách Thượng Hải khoảng 175km, cũng đã triển
khai những biện pháp mạnh mẽ như dựng hàng rào phong tỏa đường phố và phát loa
yêu cầu người dân không ra ngoài.
Ở một số
thành phố, thậm chí tại những vùng xa xôi thuộc vùng phía bắc của Trung Quốc,
người dân còn được thông báo chế độ thưởng tiền nếu cung cấp thông tin về những
người đến từ tỉnh Hồ Bắc. Tại Bắc Kinh, đường sá vẫn vắng lặng, hoạt động kinh
doanh chưa khởi động lại. Các nhà hàng cũng bị cấm không nhận yêu cầu đặt chỗ
cho tiệc tùng. Tại Nam Xương, thủ phủ của tỉnh Giang Tây, tỉnh giáp ranh với Hồ
Bắc và ngăn cách bởi con sông Dương Tử, các dược sĩ có trách nhiệm phải báo cáo
với nhà chức trách về những trường hợp khách hàng tới mua thuốc trị ho hay sốt.
Thành phố
có khoảng 5 triệu dân cũng thông báo trên tài khoản mạng xã hội Weibo, cho biết
mỗi gia đình chỉ nên cử một người cứ hai ngày ra ngoài một lần và những người bị
sốt phải tới cơ sở y tế ngay. Cho tới cuối ngày 5-2, tỉnh Giang Tây đã ghi nhận
600 ca nhiễm virus corona. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi quốc tế chung
tay, đóng góp 675 triệu USD cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh do virus corona
tại Trung Quốc.
Tổng giám đốc
WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Thông điệp của chúng tôi với cộng đồng
quốc tế là hãy đầu tư hôm nay, nếu không sẽ phải tốn kém nhiều hơn sau
này". Người đứng đầu WHO cho rằng: "Chúng ta sẽ phải trả một hóa đơn
ít tốn kém hơn nhiều nếu chúng ta đầu tư cho công tác dự phòng ngay bây giờ".
Anh Tuan (VNHN)
https://vietnamhoinhap.vn/article/chua-bao-gio-thanh-pho-vu-han-roi-vao-trang-thai-cang-thang-nhu-hien-tai---n-26812